Mỹ 'xoay trục' về Đông Nam Á, chặn yết hầu trên biển
TPO-Hôm nay tờ Bắc Kinh nhật báo đăng tải bài viết về chiến lược mới “xoay trục” của Mỹ, nhận định đây thực sự là một mũi tên trúng hai đích, có thể chặn đứng được yết hầu trên biển của các nước Đông Bắc Á.
Bắc Kinh nhật báo phân tích trong lúc Mỹ đang tập trung lực lượng thúc đẩy chiến lược “tái cân bằng châu Á – Thái Bình Dương” thì mới đây ông Danny Russel – người vừa nhậm chức Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách các vấn đề châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ đã đề ra chiến lược mới “tái tái cân bằng”. Chiến lược này chỉ rõ Đông Bắc Á vốn rất quan trọng, nhưng Mỹ cần coi trọng khu vực Đông Nam Á hơn.
3 điểm tựa cho chiến lược 'tái cân bằng châu Á'
Theo hãng tin AP của Mỹ, ông Danny Russel cho biết sẽ tiếp tục thúc đẩy chiến lược “tái cân bằng châu Á” của Mỹ, nhưng có thể sẽ điều chỉnh ở hai vấn đề: Một là tiến hành “tái tái cân bằng”, hai là thúc đẩy chiến lược đa nguyên hóa. Vì trong chiến lược “tái cân bằng châu Á” của Mỹ, Đông Bắc Á chiếm vị trí nổi bật nhất nhận được sự quan tâm đặc biệt. Tuy nhiên thực ra khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương lại đáng để Mỹ tăng cường tiếp xúc và can thiệp nhiều hơn, tức tiến hành “tái tái cân bằng”.
Ông Danny Russel năm nay 59 tuổi, năm 2009-2011 là người phụ trách các sự vụ liên quan đến Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên trong Ủy ban an ninh quốc gia Nhà Trắng, sau đó chuyển sang làm trợ lý đặc biệt của tổng thống và quan chức cao cấp phụ trách các sự vụ châu Á – Thái Bình Dương của Ủy ban an ninh quốc gia, là một trong những trợ thủ đắc lực cho chính quyền tổng thống Obama thúc đẩy chiến lược “tái cân bằng châu Á” của Mỹ.
Theo ông Danny Russel, chiến lược “tái cân bằng châu Á” của Mỹ có 3 điểm tựa chính: Một là tăng cường và làm sâu sắc hóa mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và các nước đồng Mỹ là Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Thái Lan và Philippines; Hai là tăng cường xây dựng cơ chế, tham gia sâu vào các diễn đàn an ninh liên minh khu vực của các nước Đông Nam Á, cơ chế hội nghị thượng đỉnh khu vực Đông Á; Ba là cùng với các nước lớn mới nổi trong khu vực, đạc biệt là Trung Quốc xây dựng mối quan hệ tốt hơn, vức chắc hơn.
Về vấn đề đa nguyên hóa chiến lược, ông Danny Russelchỉ ra rằng, cố nhiên “sức mạnh cứng” như sức mạnh quân sự là nền tảng của chiến lược “tái cân bằng châu Á” của Mỹ, tuy nhiên “sức mạnh mềm” về kinh tế, năng lượng, giáo dục, quan niệm giá trị, ngoại giao công chúng... mới tạo ra sự ảnh hưởng quan trọng và lâu dài. Chính vì thế, Mỹ cần quan tâm cả các lĩnh vực trên, cố gắng tạo ra sự đa nguyên hóa về chiến lược.
Viện trợ quân sự cho Đông Nam Á tăng 50%
Theo trang thông tin của quân đội Mỹ Stars and Stripes, trong chuyến thăm Malaysia và hội đàm với người đồng cấp tại Kuala Lumpur vào ngày 25-8, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel thông báo Lầu Năm Góc đang có ý định tăng 50% kinh phí tài trợ để ủng hộ quân đội các nước Đông Nam Á giúp họ tăng cường huấn luyện. Ông Hagel nói: “Dự toán mới nhất của chúng tôi gồm 90 triệu USD chi cho các dự án tài trợ về quân sự cho khu vực Đông Nam Á và dự án giáo dục và huấn luyện quân sự quốc tế, tăng 40% so với 4 năm về trước”.
Theo Stars and Stripes, khoản viện trợ quân sự này sẽ giúp các nước Đông Nam Á mua vũ khí của Mỹ. Với vai trò là một phần của chiến lược điều chỉnh lực lượng quân sư tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ, Lầu Năm Góc còn đang từng bước thúc đẩy các hoạt động như tăng cường bán vũ khí và chuyển giao công nghệ quân sự.
|
Tàu sân bay USS George Washington thao diễn cùng quân đội Maylaysia. Ảnh: Máy bay tiêm kích Su-30 MKM của không quân Malaysia bay phía trên mẫu hạm Mỹ.. |
Trong thời điểm các nước Đông Nam Á muốn giám sát chặt chẽ hơn hải vực ven biển của nước mình, Lầu Nam Góc ngỏ ý sẵn sàng giúp đỡ, bao gồm cung cấp tàu thuyền và máy bay trinh sát trên không, tổ chức tập trận chung và triển khai các hoạt động khác. Một quan chức cao cấp của Bộ quốc phòng Mỹ cho biết Mỹ sẽ tăng cường số lượng tàu chiến đồn trú tại châu Á – Thái Bình Dương. Mỹ đã đạt được những thỏa thuận với một số quốc gia để phép tàu chiến, máy bay và binh lính được thay đổi luân phiên ở các cảng khẩu và sân bay quan trọng.
Nguồn tin cho biết, Cơ quan chống đe dọa quốc phòng Mỹ (DTRA) sẽ thiết kế và xây dựng hệ thống thống an ninh biên giới trên biển cho Philippines. Hợp đồng này là hợp đồng an ninh đầu tiên mà Lầu Năm Góc ký kết với các nước Đông Nam Á. Theo sắp xếp của hợp đồng này, nhà thầu quân sự Raytheon của Mỹ sẽ thiết kế và xây dựng một trung tâm giám sát hải dương quốc gia, các số liệu thu thập từ nhiều kênh khác nhau sẽ được đưa về trung tâm này. Công ty Raytheon còn chế tạo, lắp đặt và huấn luyện việc sử dụng hệ thống nhận biết tự động cho chính phủ Philippines
Chiến lược mới “một mũi tên trúng hai đích”
Các nhà phân tích của Trung Quốc cho rằng Mỹ đưa ra chiến lược “tái tái cân bằng” chỉ là để đánh lạc hướng thế giới, thực chất vẫn là phục vụ cho chiến lược “tái cân bằng châu Á – Thái Bình Dương”. Hiện nay, tình hình khu vực Đông Bắc Á khá phức tạp, mọi sự điều chỉnh lực lượng của quân đội Mỹ đều khiến các nước trong khu vực này quan tâm và phản ứng mạnh mẽ. Tại khu vực Đông Nam Á thậm chí một số nước còn coi Mỹ là “chỗ dựa”, ủng hộ nhiệt tình. Điều quan trọng hơn là, hành động này còn có thể chặn đứng được yết hầu trên biển của các nước Đông Bắc Á.
Hiện Mỹ lợi dụng căn cứ quân sự Mỹ đóng tại Nhật Bản để kiểm soát hầu hết các con đường ra vào Thái Bình Dương của Đông Bắc Á, bao gồm eo biển Triều Tiên, eo biển giữa các đảo trên quần đảo Ryukyu. Hơn nữa, nếu men theo eo biển tiến về phía Nam, quân đội Mỹ chỉ cần dịch chuyển binh lực một chút là có thể kiểm soát eo biển Đài Loan, hay nói các khác là kiểm soát được hải khẩu chiến lược của Trung Quốc
|
Mỹ đồn trú 4 tàu tác chiến ven bờ tại Singapore nhằm đề phòng các sự cố bất ngờ ở khu vực Biển Đông và eo biển chiến lược Malacca. |
Trung Quốc nhận định Biển Đông là tuyến đường chiến lược trên biển của các nước Đông Bắc Á, cho dù xét trên góc độ kinh tế hay quân sự, đối với sự phát triển kinh tế của các nước Đông Bắc Á và các nước duyên hải đều có vai trò hết sức quan trọng. Mặc dù bị ảnh hưởng do cắt giảm ngân sách chi cho quốc phòng, quân đội Mỹ đã đóng cửa một số căn cứ quân sự ở nước ngoài, nhưng căn cứ quân sự của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á không những vẫn được duy trì mà Mỹ còn tăng số lượng quân đồn trú tại các căn cứ này.
Bắc Kinh nhật báo bực bội cho rằng việc Mỹ tăng cường viện trợ quân sự cho một số nước Đông Nam Á, nâng đỡ các nước này phát triển lực lượng, để các nước này trở thành “lính đánh thuê” của Mỹ, còn có thể chia sẻ và giảm bớt áp lực cho quân đội Mỹ. Rõ ràng chiến lược “xoay trục” của Mỹ là một mũi tên trúng hai đích.